I. KỸ THUẬT TRỒNG BƠ
1. Một số giống bơtrồng phổ biến tại Việt Nam:
Hiện nay, ngoài giống bơ được du nhập trồng từ lâu như bơ sáp còn có một số giống mới được nhập nội trồng phổ biến như: Hass, Reed, Booth… Ngoài ra, còn có một số cây đầu dòng được chọn lọc nhân giống vô tính tại Việt Nam như: TA40, 034…
2. Yêu cầu đất trồng bơ:
* Tiêu chuẩn đất trồng bơ:
– Tầng canh tác dày, tối thiểu 1,0m trở lên.
– Đất không có tầng sét, tầng kết von quá cạn, rút nước nhanh, không ngập úng tạm thời.
– Đất thoáng khí, pH đất phù hợp từ 4,5- 6,5.
– Đất không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, chất hữu cơ tầng đất mặt trên 2%…
* Làm đất, thời vụ trồng:
– Đất sau khi đã dọn sạch cỏ dại và làm đất thuần thục được tiến hành trồng.
– Đào hố : 60cm x 60cm x 60cm.
– Thời vụ trồng tùy theo điều kiện khí hậu ở mỗi vùng để bố trí xuống giống cho phù hợp, tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa.
3. Khoảng cách và mật độ trồng:
* Một số khoảng cách trồng:
– Trồng thuần: 6m x 8m; 7m x 7m; 8m x 8m.
– Trồng xen cà phê vối: 9m x 9m; 9m x 12m.
– Trồng xen trong vườn chè xanh: 6m x 9m(hoặc 2 băng chè).
4.Kỹ thuật trồng:
– Lấy lớp đất mặt + 20 kg HC + 0,5 kg Lân + 0,1kg vôi bột.
– Hố đặt bầu cây sâu bằng với chiều dài bầu cây.
– Rút bỏ túi bầu và đặt bầu xuống hố.
– Lấp hố, nén chặt đất, cọc cố định cây thẳng.
Lưu ý: Khi trồng các giống bơ ghép, vị trí ghép cần cách mặt đất 15-20 cm. Mỗi cây chỉ giữ 01 cành ghép khỏe mạnh, phải thường xuyên kiểm tra và vặt bỏ các chồi mọc ra từ gốc ghép. Cần gỡ bỏ hết dây ghép tránh tình trạng bó thân cây, tạo thành vết hằn dễ gãy đổ. Phải cắm cọc cố định cây sau khi trồng để chống gió gây nghiêng ngã thân.
5. Trồng dặm:
– Thường sau khi trồng mới khoảng 20 – 30 ngày, tiến hành kiểm tra vườn Bơ để trồng dặm ngay những cây yếu và cây chết để vườn Bơ đồngđều.Trồng dặm khi đất đủẩm.Chọn cây Bơ giống có 8-10 lá, đường kính thân cây đạt 7-9mm, cao 50-65cm để trồng dặm nhằm giảm sự chênh lệch về sinh trưởng giữa cây trồng dặm và cây đã trồng mới trong vườnBơ.Cây Bơ giống để dặm phải cùng loại giống với vườn Bơ đã trồng mới, để tạo sự đồng đều, thuận lợi cho việc chăm sóc và thuhoạch.
– Khi trồng dặm, nên có chế độ chăm sóc kỹ hơn để cây sinh trưởng kịp với cây trồng mới làm cho vườn Bơ đồngđều.
II. KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY BƠ KIẾN THIẾT CƠ BẢN
Chăm sóc cây Bơ theo quy trình thích hợp không những bảo đảm vườn cây sinh trưởng, phát triển bền vững, năng suất cao ổn định, mà còn góp phần quan trọng làm cho chất lượng trái được nâng cao.
· Bảo vệ cây con
Trong vài năm đầu, giữa 2 cây trên hàng Bơ nên trồng cây chắn gió tạm thời như muồng hoa vàng, cốt khí, flemingia… Vườn Bơ ít được che chắn từ các vườn cây lân cận cũng cần trồng xen các loại cây ngắn ngày như: đậu đỗ, lúa cạn, ngô.
· Làm cỏ
Trong mùa mưa làm sạch cỏ 3 – 4 lần theo băng trên hàng hoặc theo từng gốc. Sau lần làm cỏ cuối mùa mưa, tủ quanh gốc cho cây Bơ bằng cỏ khô, tàn dư cây họ đậu, cây chắn gió tạm thời…. Lưu ý tủ chừa cách gốc 15 – 20cm.
· Tưới nước
Trong điều kiện mùa khô khắc nghiệt kéo dài 5 – 6 tháng, cây Bơ cần được tưới để duy trì sinh trưởng và cho năng suất cao.
– Năm thứ nhất đến thứ 3 sau trồng: 50 – 200 lít nước/cây/lần; tưới 2 – 3 lần vào giữa và cuối mùa khô.
– Khi cây cho quả: 200 – 400 lít/cây/lần; tưới 2 – 3 lần từ sau khi hoa bắt đầu nở.
· Bón phân:Sử dụng các loại phân hữu cơ và vô cơ để bón:
Phân hữu cơ: thường dùng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, các phế phụ phẩm nông nghiệp…trong năm đầu trồng mới bón 10-20 kg/cây.
Phân vô cơ: nói chung tỷ lệ N:P:K trong thời kỳ cây chưa mang quả là 1:1:1 hoặc 2:2:1 và trong thời kỳ mang quả là 2:1:2, có thể sử dụng riêng các loại phân đơn, phân NPK hoặc sử dụng kết hợp cả 02 loại. Các công thức NPK phổ biến: 16-16-8+13S+Te, 15-15-15+ Te, 16-8-16…
+ Năm trồng mới: 0,5 kg/cây/năm.
+ Năm thứ hai: 1 kg/cây/năm.
+ Năm thứ ba: 1,5 kg/cây/năm
Bà con nên chia lượng phân này thành 3 – 4 phần đều nhau để bón làm 3 – 4 lần/năm. Chỉ bón phân khi đất đủ ẩm.
· Tạo hình, tỉa cành
Là kỹ thuật cần được coi trọng để tạo cho cây tư thế chắc, bộ tán cân đối, ổn định sản lượng, hạn chế sâu bệnh hại.
– Trong 1 -2 năm sau trồng, cắt bỏ cành ngang dưới thấp chừa phần thân thoáng 50 – 70cm, nuôi một thân chính.
– Vào mùa mưa, cây đang mang quả được tỉa cành thông thoáng và quét vôi trên thân.
· Vun gốc
Trên nền đất thoát nước kém, cây sinh trưởng chậm và dễ bị bệnh thối cổ rễ. Hàng năm, đất ở gốc cây cần được vun cao dần (vun gốc cao khoảng 50cm) kết hợp bón phân chuồng và tủ gốc.
· Ghép cải tạo giống
Những vườn Bơ trồng từ hạt thường có một số cây không đạt yêu cầu về năng suất, chất lượng quả, khả năng kháng bệnh, mùa thu hoạch…. Có thể cắt bỏ thân cũ, nuôi chồi mới và ghép giống mới chọn lọc bằng phương pháp ghép chẻ ngọn tương tự như ghép trong vườn ươm.
[Tài liệu tham khảo: Quy trình kỹ thuật trồng và cách chăm sóc bơ hiệu quả,Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI)]
Quang Long